FPT, FSI, VNPT… được vinh danh top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam năm 2021

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Chưa có đánh giá nào)
Loading...
6 Tháng Mười Hai, 2021

VTV.vn – 76 doanh nghiệp CNTT được vinh danh TOP 10 năm nay có tổng doanh thu 186.694 tỉ đồng, tương đương 8.054 tỉ USD, chiếm hơn 60,74 % doanh thu toàn ngành phần mềm năm 2020.

Được phát động từ ngày 7/4/2021, sau hơn 1,5 tháng, chương trình đã nhận được 194 đề cử trong 18 lĩnh vực từ 167 doanh nghiệp, tăng 14% về số lượng đề cử và 67% số lượng doanh nghiệp tham gia so với năm 2020.

Dù triển khai đúng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng lan rộng tới 62 tỉnh thành trên toàn quốc, công tác tổ chức của chương trình đã liên tục phải ứng biến, thay đổi để thích hợp với tình hình thực tế. Toàn bộ hoạt động nộp hồ sơ tham gia, thuyết trình, đánh giá, chấm điểm, bình chọn top 10 đều được thực hiện trực tuyến 100%.

Theo số liệu thống kê từ Ban tổ chức, hơn 90% doanh nghiệp tham gia đang nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong quá trình phát triển sản phẩm, giải pháp; 76 doanh nghiệp CNTT được vinh danh top 10 năm nay có tổng doanh thu đạt 186.694 tỉ đồng, tương đương 8.054 tỉ USD, chiếm hơn 60,74 % doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT trong năm 2020.

Đặc biệt, “Top 10 Doanh nghiệp Tăng trưởng ấn tượng” lần đầu tiên được thống nhất bổ sung vào nhóm các lĩnh vực được trao giải năm nay, vinh danh 9 doanh nghiệp có mức tăng trưởng rất cao từ 77 đến trên 300%. Phần đa các doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường quốc tế. Đây là những doanh nghiệp đã kiên cường phát huy nội lực, năng động, linh hoạt tìm được cơ trong nguy để vượt khó, tăng trưởng ấn tượng.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA – cho biết: “Những ảnh hưởng của Đại dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư khốc liệt này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn xã hội và tác động nặng nề lên nền kinh tế. Tuy nhiên cũng là động lực để các ngành, các lĩnh vực có sự chuyển mình, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội, là địa hạt lớn để các doanh nghiệp ICT Việt Nam khai phá và phụng sự đất nước”.

Phát biểu tại Lễ Vinh danh, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công tác phòng – chống đại dịch COVID-19 thông qua việc nhanh chóng xây dựng và triển khai nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ số, góp phần quyết định trong việc đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, giúp hàng chục triệu cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, trường học cũng như người dân trên toàn quốc duy trì hoạt động hàng ngày cũng như làm việc, học hành từ xa một cách hiệu quả, an toàn, thuận tiện.

Các ứng dụng, giải pháp CNTT được triển khai trong phòng chống dịch, trong các hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khắp cả nước đã góp phần quan trọng vào kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNTT đã đóng góp hơn 1.600 tỉ đồng vào Quỹ vaccine phòng chống covid của Chính phủ, hưởng ứng tích cực chương trình “Sóng và Máy tính cho em”… Bộ ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn này từ cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam, đồng thời kỳ vọng top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2021 sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, đóng vai trò quan trọng thực hiện sứ mệnh hiện đại hóa, thông minh hóa Việt Nam trở thành một quốc gia số, phát triển nhanh, bền vững.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA khẳng định: “Với tinh thần phát huy nội lực, sức sáng tạo và khát vọng cháy bỏng về một Việt Nam hùng cường, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần chớp lấy thời cơ, gánh vác trách nhiệm tiên phong, xung kích trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Top 10 doanh nghiệp CNTT phải là lực lượng nòng cốt, tiên phong gánh vác trách nhiệm to lớn này”.

Tại lễ trao giải, FPT được vinh danh 7 lần ở cả 3 nhóm lĩnh vực chính yếu gồm lĩnh vực truyền thống ngành CNTT, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số và nhóm lĩnh vực công nghệ mới có lợi thế cạnh tranh ở hiện tại cũng như trong tương lai. Giải thưởng này là một trong những hoạt động của Hiệp hội nhằm đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa mục tiêu hình thành lực lượng 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2030, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, FPT và các đơn vị thành viên được vinh danh top 10 doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số; top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp Chính phủ số; top 10 doanh nghiệp Cung cấp giải pháp thành phố thông minh; top 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp CNTT; top 10 doanh nghiệp Blockchain; top 10 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số, bảo mật, an toàn thông tin và top 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh và tiên phong giữ vững vị thế dẫn đầu trong hành trình chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp, thời gian qua, FPT đã không ngừng nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái giải pháp, nền tảng chuyển đổi số Made by FPT, ưu tiên mọi nguồn lực và đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp. Các giải pháp Made by FPT được xây dựng dựa trên 5 nguyên lý cơ bản và thế mạnh của FPT gồm: công nghệ mới, kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết sâu sắc thị trường, chất lượng tiêu chuẩn quốc tế và khát khao nâng tầm quản trị.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, FPT đặt ra mục tiêu chiến lược đứng trong top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030, đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chuyên sâu các giải pháp dựa trên công nghệ Blockchain, Lowcode, AI, Cloud, Analystic.

Đạt 3 giải thưởng top 10 nhờ chiến lược phát triển và chuyển đổi số toàn diện

Để đạt được giải thưởng lần này, ngoài việc phải chứng minh được năng lực hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, năng lực đội ngũ chuyên gia, FSI còn gây ấn tượng với các chuyên gia bởi những thành tựu vượt trội trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp 4.0, tạo ra một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện giúp giải quyết tốt bài toán tổng thể từ hạ tầng, nền tảng tới ứng dụng, bảo mật cho các doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số.

Cụ thể, tại lĩnh vực chuyển đổi số, FSI được đánh giá cao với hệ thống tự động hoá doanh nghiệp WEONE. Tại lĩnh vực Chính phủ điện tử, dịch vụ BPO và hệ thống số hoá D-IONE của FSI được Hội đồng giám khảo – lĩnh vực CNTT nhận định tốt khi “bắt” đúng xu thế phát triển của công nghệ hiện nay.

Trong đó, dịch vụ BPO của FSI sẽ hỗ trợ thực hiện các công việc số hóa tài liệu, nhập dữ liệu, xử lý tài liệu,… giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhân sự, thời gian và chi phí triển khai. Bên cạnh đó, dịch vụ BPO của FSI đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 và tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 giúp đảm bảo an toàn thông tin tuyệt đối trong quá trình triển khai

Ngoài việc cung cấp lực lượng >3000 nhân sự triển khai được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, sử dụng các trang thiết bị số hóa hiện đại cùng 4 cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh đáp ứng nhu cầu triển khai số hóa trên toàn quốc, điểm đặc biệt trong dịch vụ BPO của FSI được tích hợp các công nghệ xử lý dữ liệu hiện đại (Machine Learning, Deep Learning,…) và tạo lập dữ liệu lớn Big Data giúp rút ngắn quá trình nhập liệu, xử lý dữ liệu tự động, cho độ chính xác cao. Từ đó, xây dựng một nền tảng dữ liệu số tinh gọn nhất, cho phép DN và tổ chức khai thác dễ dàng hơn.

Hệ thống tự động hoá doanh nghiệp WEONE mang đến giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp đơn giản hóa các hoạt động quản trị, tối đa hiệu suất làm việc và giải quyết các bài toán khó trong vận hành.

WEONE mở ra một không gian làm việc trực tuyến cho phép mọi công việc đều được quản lý tập trung trên 1 nền tảng duy nhất, giúp doanh nghiệp: vận hành trơn tru 24/7; đảm bảo tiến độ công việc của từng cá nhân, bộ phận và cả công ty, tiết kiệm chi phí văn phòng và nâng cao hiệu suất làm việc mỗi cá nhân; nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ tinh gọn bộ máy, tối giản các hoạt động dư thừa.

Sở hữu những tính năng thiết yếu cho một văn phòng tự động hóa như: quản lý quy trình – thủ tục, quản lý công việc, quản lý kho tài liệu, …..WEONE tạo một môi trường làm việc trực tuyến cộng tác liên thông tất cả mọi thành viên trong tổ chức,các nhân sự có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi không giới hạn. Với WEONE giúp doanh nghiệp tiết kiệm 30- 40% thời gian, 50% chi phí vận hành và nâng cao hiệu suất làm việc và báo cáo trực quan 24/7.

Các doanh nghiệp tham gia bình chọn “Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2021” sẽ được đánh giá theo 7 tiêu chí gồm: chỉ tiêu tài chính, nhân lực nhân sự, sản phẩm, năng lực công nghệ, công tác quản trị, thành tích đã đạt được và có thêm tiêu chí đánh giá đặc thù riêng theo ngành. Quy trình đánh giá gồm 3 vòng: sơ tuyển hồ sơ; thuyết trình và thẩm định thực tế; bình chọn chung tuyển.

Năm 2021, chương trình “Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam” mở rộng đánh giá và lựa chọn các doanh nghiệp tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới như Cloud, Blockchain, Edtech, PropTech, MedTed.

Nguồn: https://vtv.vn/cong-nghe/fpt-fsi-vnpt-duoc-vinh-danh-top-10-doanh-nghiep-cntt-viet-nam-nam-2021-20211009164754547.htm